Báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm cả nước phát hiện mới hơn 3.500 người dương tính với HIV, gần 650 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số nhiễm mới giảm 11%, số tử vong giảm 34%.
Số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS cũng giảm theo xu thế chung. Tuy nhiên, 20 tỉnh thành có số bệnh nhân HIV tăng so với cùng kỳ 2016, đặc biệt là Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TP HCM và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và TP HCM chiếm 25% bệnh nhân mới phát hiện trong cả nước. Trong đó Hà Nội ghi nhận 311 ca mới, tăng 61 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự tại TP HCM, con số này là 572, tăng 25 ca.
Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca HIV mới mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11.000 người vào năm 2016, tuy nhiên giảm chưa nhanh. Dịch đang tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới sinh sống tại các đô thị. Phụ nữ có chồng hoặc bạn tình nam giới là người nhiễm hoặc người có hành vi khiến họ có nguy cơ lây nhiễm HIV đang chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng số mới nhiễm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, các tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ… triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm song số bệnh nhân HIV mới vẫn gia tăng. Điều này cho thấy HIV đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch bệnh đã được khống chế.
Tình dục vẫn là con đường lây truyền HIV phổ biến nhất hiện nay. Trong số người mới nhiễm HIV, 48% lây qua đường tình dục, qua đường máu 33%, 3% từ mẹ sang con. Thực tế này cảnh báo HIV đang lây lan ra cộng đồng và ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Từ năm 2013 đến nay tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm giảm song lại tăng ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Việc xét nghiệm phát hiện HIV ngày càng khó khăn. Phần lớn bệnh nhân phát hiện muộn. Các hoạt động can thiệp giảm hại (bơm kim tiêm, bao cao su) và truyền thông triển khai hạn chế do thiếu kinh phí. Bệnh nhân điều trị thay thế nghiện bằng methadone và ARV tăng chậm.
UNAIDS khuyến cáo Việt Nam cần mở rộng hơn các can thiệp dự phòng cũng như tăng đầu tư cho công tác dự phòng, bao gồm chương trình bơm kim tiêm và bao cao su.