Em đang cho con bú nhưng bị đau 1 bên vú trái và sờ thấy cưng cứng. Không biết như vậy có phải là bị tắc tia sữa không ạ? (Thanh Huyền - Thanh Trì, Hà Nội)
Dấu hiệu của bạn có thể là đang bị tắc tia sữa ngực trái. Tắc tia sữa là triệu chứng bệnh thường gặp với mẹ mới sinh đặc biệt những mẹ nhiều sữa. Tuy bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến ápxe vú, rất nguy hiểm.
Giải thích nguyên nhân gây tắc tia sữa
Hiện tượng tắc tia sữa là gì?
Sữa được tạo ra ở nang sữa theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của bé, sữa sẽ chảy ra ngoài. Cùng trên một dòng chảy, nếu có một lí do nào đó mà lòng ống dẫn bị hẹp bít lại (chèn ép từ ngoài vào hay bít tắc trong lòng ống) thì sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Vùng bị tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết trong khi sữa vẫn tiếp tục được tạo ra và làm các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Điều này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác đồng thời tạo ra một vòng xoắn bệnh lí khiến tình trạng tắc sữa ngày càng nặng.
Bên cạnh đó, tắc tia sữa còn có thể do không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh; mẹ bị cảm lạnh nên sữa khó lưu thông; không vắt bỏ sữa thừa gây ứ đọng sữa; không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch sau khi cho bé bú…
Những dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc tia sữa
Dấu hiệu đầu tiên phải kể đến là bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần, đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít, vắt cũng không ra. Nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong người mẹ sẽ bị tăng cảm giác đau, sốt. Càng khai thông ống dẫn sớm càng giảm được tình trạng bệnh và hạn chế hậu quả do tắc kéo dài. Khi không được điều trị kịp thời hiện tượng này sẽ chuyển sang ápxe vú rất nguy hại.
Cách thông tắc tia sữa
- Dùng tay day ép
Mẹ dùng 1 bàn tay đè ép bầu cú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau. Cần vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết. Cần lưu ý phải day ép chứ không phải xoa vì "day chỉ có lực day ép mới có tác dụng đối với vị trí tắc nằm ở sâu trong bầu vú và làm tan sữa đã đông kết. Tuy nhiên chỉ nên đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có thể chịu đựng được và cần day từ từ theo vòng tròn một cách tăng dần, khoảng 20 30 lần sau đó làm ngược lại.
- Thực hiện day ép nhiều lần
Cần thực hiện day ép ngay cả ở giai đoạn sớm khi chưa tắc tia sữa nhưng mẹ phải nhẹ nhàng và kiên nhẫn, nếu thực hiện thô bạo sẽ rất đau đớn mà hiệu quả chưa chắc đã tốt hơn.
Chúc bạn sức khỏe!