Một thiết bị nhỏ bé có thể tạo nên
cách mạng trong lĩnh vực y học tái tạo. Trên Nature Nanotechnology, các nhà
khoa học từ Đại học Ohio (Mỹ) tuyên bố phát minh ra con chip đặc biệt tái tạo mọi
loại tế bào, thậm chí cả nội tạng.
Theo Independent, con chip có cỡ bằng đồng xu được sử dụng bằng cách đặt lên da, ấn nhẹ và truyền điện. Nhờ công nghệ nano, con chip "tiêm" mã di truyền tận sâu vào tế bào da để tái lập trình sau đó biến chúng thành tế bào khác trong vòng chưa đầy một giây.
Nhóm nghiên cứu cho biết thử nghiệm chip với chuột thu về kết quả rất khả quan. Cụ thể, thí nghiệm đặt lên chuột bị thương chân sẽ thấy con chip chuyển tế bào da thành tế bào mạch. Nhờ đó có thể giúp tăng lưu lượng máu. Khoảng 2 tuần trôi qua, phần chân thương tổn của chuột sẽ lành lại và dần dần bình phục.
Đặc biệt, các nhà khoa học còn phát triển thành công tế bào thần kinh từ tế bào da. Nhờ nhận tế bào thần kinh mới, chuột đột quỵ hồi phục chức năng não chỉ sau vài tuần. Kết quả này vô cùng ý nghĩa đối với bệnh nhân Alzheimer và Parkinson.
"Thật khó tưởng tượng nhưng điều này là thật với tỷ lệ thành công lên tới 98%", tiến sĩ Chandan Sen thuộc đội ngũ nghiên cứu nói. Ông khẳng định với kỹ thuật chip nano hiện này, con người hoàn toàn có thể biến tế bào da trở thành mọi loại tế bào khác rồi dần dần có thể tiến đến thay thế nội tạng hoàn hảo. Bên cạnh đó, quá trình xử lý không hề xâm lấn và sử dụng tế bào của chính bệnh nhân nên không đến thuốc chống đào thải.
Dự kiến con chip tái tạo được thử nghiệm trên người vào năm 2019.