1. Có cảm giác tê tay chân
Nếu bạn thấy cảm giác yếu hoặc tê ở cánh tay, ở chân hoặc ở mặt, đặc biệt nếu điều này diễn ra ở một bên của cơ thể, đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
Bạn cũng có thể bị đột quỵ nếu bạn không thể giữ thăng bằng, cảm thấy chóng mặt, hoặc gặp khó khăn trong việc tự di chuyển. Hãy nhanh chóng yêu cầu giúp đỡ nếu bạn đột nhiên không thể nhìn thấy hoặc nhìn mờ, bị đau đầu kinh khủng hoặc gặp vấn đề về giao tiếp.
Theo các chuyên gia y tế, phát hiện và xử lý tốt có thể đảo ngược được tình hình theo chiều hướng tốt. Gọi cấp cứu kịp thời trong 4-5 tiếng kể từ khi có những dấu hiệu đầu tiên, bạn có thể giảm nguy cơ để lại di chứng lâu dài do đột quỵ.
2. Đau ngực
Bất kỳ cơn đau ngực nào, đặc biệt là có kèm theo đổ mồ hôi, tăng huyết áp, thở dốc hoặc buồn nôn, bạn phải được chuyên gia y tế khám ngay lập tức.
Đau ngực hoặc tăng huyết áp có thể là một dấu hiệu của bệnh tim hoặc cơn đau tim cấp, đặc biệt khi bạn đang vận động. Đau ngực cũng có thể là vấn đề khác nghiêm trọng hơn cả vấn đề tim mạch, nó có thể do một cục máu đông di chuyển vào phổi của bạn, theo tiến sĩ y khoa Teitelbaum.
Nếu bạn thấy ngực bị đè nặng hoặc có cảm giác như bị bóp nghẹt kéo dài hơn một vài phút và lặp lại, hãy gọi giúp đỡ và đừng gắng sức.
3. Cảm giác chân bị yếu và đau phần bụng chân
Đây có thể là triệu chứng của cục máu đông ở chân hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Hiện tượng này thường gặp khi bạn ngồi quá lâu trên một chuyến bay dài hoặc bị bệnh và phải nằm trên giường một thời gian dài.
Nếu do cục máu đông gây nên, cơn đau thường xảy ra khi bạn đứng hoặc đi bộ. Bạn cũng có thể nhận thấy chân bị sưng, có màu đỏ và mềm, to hơn chân kia. Lưu ý là đau sau khi tập thể dục là điều bình thường.
Nhưng nếu chân bạn tấy đỏ và có cảm giác đau, nóng nơi bị sưng, hãy gọi bác sĩ tư vấn. Nên để ý khi ngón chân bị đau và sưng tấy vì có thể đó là dấu hiệu Homans (1 trong 4 triệu chứng của huyết mạch khối, đau bắp chân lúc gấp bàn chân). Hãy khám bác sĩ chuyên khoa để xử lí cục máu đông trước khi nó có thể bị vỡ và gây tắc nghẽn mạch dẫn đến các biến chứng khác.
4. Có máu trong nước tiểu
Nếu bạn thấy có máu trong nước tiểu và đau ở một bên cạnh sườn hoặc ở lưng, bạn có thể đã bị sỏi thận do các khoáng chất và muối kết tủa trong thận và di chuyển qua ống niệu đạo.
Đi gặp bác sĩ, có thể bạn phải chụp Xquang hoặc siêu âm để xem có sỏi thận hay không và kích thước viên sỏi thế nào để có hướng điều trị. Nhiều viên sỏi thận tự ra khi bạn đi tiểu, gây đau đớn và chảy máu do tổn thương đường tiết niệu. Đôi khi bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật để loại bỏ sỏi thận.
Nếu bạn nhìn thấy có lẫn máu trong nước tiểu và mót đi tiểu liên tục hoặc cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu, có thể bạn bị viêm bàng quang hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu, đặc biệt nếu bạn bị sốt, hãy đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra.
Nếu chỉ thấy máu trong nước tiểu nhưng không cảm thấy đau, nó có thể là dấu hiệu của ung thư thận hoặc bàng quang.
5. Thở khò khè
Các vấn đề về hô hấp cần phải được điều trị ngay. Nếu bạn thở khò khè hoặc nghe như tiếng huýt sáo khi thở, hãy đi khám bác sĩ. Theo tiến sĩ y khoa Agarwal, nếu không được thăm khám ngay, bất thường trong hít thở có thể nhanh chóng khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu không được đánh giá và điều trị kịp thời.
Thở khò khè có thể là do bệnh suyễn, bệnh phổi, dị ứng nghiêm trọng hoặc tiếp xúc với hóa chất. Bác sĩ của bạn có thể tìm ra nguyên nhân và cách điều trị. Nếu bạn bị hen suyễn, một chuyên gia về dị ứng hoặc chuyên về phổi sẽ có phác đồ để kiểm soát và giảm bớt bùng phát.
Ho khò khè cũng có thể do viêm phổi hoặc viêm phế quản. Nếu ho ra đờm vàng hoặc xanh, sốt hay hụt hơi, bạn có thể đã bị viêm phế quản nặng dẫn đến viêm phổi.