Thông thường, người nông dân sau
khi có thông báo của cơ quan khuyến nông về tình hình sâu bệnh và khuyến cáo về
tên thuốc trừ sâu, liều lượng thì họ sẽ ra cửa hàng để mua thuốc trừ sâu. Đa số
đều chỉ cần nói diện tích và tên bệnh, sâu, người bán sẽ tự lấy thuốc và hướng
dẫn cách pha. Nhiều khi dịch bệnh nặng, người nông dân tự quyết định phun 2 lần,
cách nhau từ 3-5 ngày theo cách mà người trong làng, xã truyền tai nhau.
Các nhà khoa học nông nghiệp cho biết, tâm lý trên là phổ biến trong nông dân. Nghiên cứu tại Đồng bằng sông Cửu Long do TS. Phạm Văn Toàn - Trưởng bộ môn Kỹ thuật môi trường, Đại học Cần Thơ - thực hiện cho thấy, hơn 85% số hộ được hỏi dùng thuốc để khống chế sâu bệnh, lý do chính là có hiệu quả tức thì.
Người dân thường dùng liều cao hơn chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Những ai chưa thấy hiệu quả, họ sẽ tự động tăng liều ở lần phun sau.
Lại có người được các hiệu thuốc thực vật hướng dẫn pha chế theo kinh nghiệm 2 - 3 loại thuốc với nhau, dù nhà sản xuất chỉ định dùng riêng từng loại. Đáng ra chỉ cần 1 loại đúng và đủ là được nên người dân mua 3 loại thuốc để phun vừa mất công, mất của lãng phí, lại gây hại vô cùng cho môi trường.
Tiếp xúc nhiều với nông dân, TS. Vũ Dương Quỳnh - phòng Hóa môi trường, Viện Môi trường nông nghiệp phân tích: “Nông dân muốn tiết kiệm thời gian và tiền bạc nên trộn 3-4 loại thuốc mà không biết rằng hiệu ứng của chúng khác nhau. Có thuốc được cây hấp thụ để sâu ăn phải, có loại phun trên bề mặt là sâu chết. Việc trộn lẫn chưa chắc đã hiệu quả bằng phun riêng”.Mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng tiền thuốc bvtv phun ra cánh đồng rất lãng phí.