Bên cạnh đó, các thông tin sai lệch
về vắcxin cũng góp phần gây lo lắng, hoang mang cho các bậc cha mẹ.
Nhiều bậc phụ huynh có những quan niệm sai lầm về tiêm chủng nên đã không đưa con em đi chích ngừa sớm và đúng lịch, khiến trẻ lâm vào nguy cơ mắc phải những bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Các chuyên gia Nhi khoa khẳng định lịch tiêm chủng ở trẻ em rất hiệu quả với rất ít rủi ro.
Theo khuyến cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cứ theo chu kỳ 3 - 5 năm, dịch sởi lại bùng phát mạnh. Chẳng hạn như năm 2006, cả nước xảy ra dịch sởi với 3.000 trẻ mắc, đến năm 2009 - 2010, dịch sởi bùng phát trở lại với 7.500 ca bệnh được ghi nhận trên cả nước. Các năm 2011, 2012, sởi trở nên yên ắng nhưng từ cuối năm 2013 đến 2014, dịch sởi tái xuất và có thể tiếp tục gia tăng mạnh.
Bởi lẽ, vắcxin quá thành công trong việc loại bỏ nhiều căn bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng như sởi, thủy đậu, bại liệt, ho gà, uốn ván… mà chúng ta dần quên đi những căn bệnh này vốn rất nguy hiểm nếu mắc phải.
Bên cạnh đó, các thông tin sai lệch về vắcxin cũng góp phần gây lo lắng, hoang mang cho các bậc cha mẹ. Ví dụ, quan niệm sai lầm rằng vắcxin ngừa bệnh sởi - quai bị - rubella (MMR) có thể gây ra chứng tự kỷ đã kéo dài trong tâm trí của một số cha mẹ trong hơn một thập kỷ mặc dù đã có hơn một chục nghiên cứu trên thế giới cho thấy không có mối liên hệ giữa chúng.
Tiêm ngừa giúp bảo vệ trẻ em khỏi mắc những căn bệnh đe dọa tính mạng, nhưng chúng cũng có thể gây ra các phản ứng phụ nhẹ, ngắn hạn như: đỏ và sưng ở chỗ tiêm, sốt và nổi ban.
Những rủi ro nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như các phản ứng dị ứng trầm trọng, rất hiếm hoi so với những loại bệnh có thể được vắcxin phòng bệnh. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng từ bất kỳ loại vắcxin nào là 1 trong 1 triệu liều.
Mặc dù vậy, những hoang mang, lo sợ của các bậc phụ huynh hoàn toàn chính đáng. Sự phối hợp giữa bác sĩ và các bậc cha mẹ sẽ giúp giảm thiểu những hiểu sai và giúp trẻ được hưởng quyền lợi chủng ngừa.