BỆNH SÙI MÀO GÀ
Sùi mào gà (Genetal Warts) là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Bệnh do virut HPV (Human Papaloma Virus – hay còn gọi là virut gây u nhú ở người) gây nên. Bệnh lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, virut này cũng có thể lây qua một số đường tiếp xúc gián tiếp không qua quan hệ tình dục.
Tổn thương cơ bản của bệnh là các sần sùi nhỏ li ti (trông như mào của con gà) có màu hồng nhạt, khu trú ở bộ phận sinh dục. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các tổn thương phát triển nhanh, lan ra xung quanh tạo thành những mảng, khối lớn.
1. CĂN NGUYÊN CỦA BỆNH
Căn nguyên của bệnh sùi mào gà là virut HPV. Đây là loại virut có ADN và chỉ khu trú ở da và niêm mạc. Cho tới nay người ta đã xác định được hơn 170 type virut HPV khác nhau, trong đó có khoảng 40 type gây bệnh ở bộ phận sinh dục. Các type virut khác nhau sẽ gây bệnh ở các vùng da, niêm mạc khác nhau, cụ thể:
– HPV type 1,4,5,8,41,60,63…gây bệnh hạt cơm ở da, gan bàn tay, bàn chân.
– HPV type 6,11,13,16,18,55,66…gây bệnh ở niêm mạc. Đặc biệt type 6, 11 gây bệnh ở bộ phận sinh dục, đây là những type ít có nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, type 16,18 có nguy cơ cao gây ung thư.
– HPV type 5,8 gây bệnh loạn sản thượng bì dạng hạt cơm.
2. ĐƯỜNG LÂY
Virut HPV rất dễ lây. Đường lây dễ nhất là qua tiếp xúc da với da, da với niêm mạc, niêm mạc với niêm mạc. Ai cũng có thể bị lây nhiễm HPV, tuy nhiên hầu hết là không bị bệnh. Sức đề kháng tốt có thể loại bỏ hoàn toàn HPV trong vòng 2 năm. Chỉ khoảng 10% người nhiễm HPV có biểu hiện lâm sàng.
CÁC ĐƯỜNG LÂY BỆNH:
2.1. Quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh.
Đây là đường lây lan chủ yếu, vì vậy sùi mào gà được gọi là “bệnh lây truyền qua đường tình dục” (Sexually Transmitted Disease).
2.2. Các đường lây khác không qua quan hệ tình dục (Non – Sexual Transmission)
Các đường lây này tuy ít hơn nhưng cũng có thể gặp:
– Sử dụng chung dụng cụ, đồ dùng cá nhân của người có HPV.
– Lây qua đường tự tiêm truyền (một người có virut ở tay có thể lây lan sang các vùng khác trong cơ thể).
– Lây qua can thiệp y tế, dụng cụ y tế không được tiệt trùng.
– Lây qua tiếp xúc (qua hôn, chân tay có nhiễm HPV).
– Lây qua chăm sóc bệnh nhân (thông thường lây cho bệnh nhân hoặc ngược lại nếu một trong 2 người bị nhiễm HPV).
2.3. Đường lây ở trẻ em
– Qua đường sinh đẻ: Nếu người mẹ bị nhiễm HPV trong thời gian mang thai không được điều trị, lúc đẻ có thể lây cho con.
– Chăm sóc hàng ngày: người chăm sóc có HPV nên có thể lây cho trẻ.
– Qua các thủ thuật y tế nếu các dụng cụ không được tiệt trùng.
– Một số trẻ bị nhiễm HPV do lạm dụng tình dục.
Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh nếu bị lây nhiễm HPV (do sức đề kháng, miễn dịch còn yếu).
3. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CỦA BỆNH
3.1. Thời kỳ ủ bệnh:
Rất khó xác định vì không biết chính xác thời điểm bị lây HPV đầu tiên. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu, kinh nghiệm, người ta xác định thời kỳ ủ bệnh là từ 3 tuần đến 8 tháng (trung bình 2-3 tháng).
3.2. Thương tổn cơ bản:
Sau một thời gian bị lây nhiễm HPV, tại cơ quan sinh dục xuất hiện các sẩn, mụn nhỏ li ti, màu hồng nhạt, tập trung thành đám ở quy đầu, thân dương vật, bìu…(nam giới), môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo…(nữ giới). Các thương tổn này cũng có thể gặp ở xung quanh hậu môn, hầu, họng…
Ở trẻ em, do sức đề kháng yếu nên có thể thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thương tổn phát triển nhanh hơn so với người lớn.
4. CHUẨN ĐOÁN BỆNH
– Dựa vào lâm sàng: Các thương tổn điển hình như mô tả ở trên.
– Các xét nghiệm: Sinh thiết thương tổn để xem hình ảnh mô bệnh học, xác định ADN của HPV, định type để xác định các type HPV có nguy cơ thấp hay nguy cơ cao gây ung thư.
5. ĐIỀU TRỊ
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị diệt virus HPV. Vì vậy mục đích của trị liệu là phá huỷ các sẩn, khối u, sùi, tăng cường miễn dịch toàn thân, tại chỗ để diệt virut.
Các phương pháp cụ thể:
– Bôi các thuốc phá huỷ các tổ chức sùi, tăng cường miễn dịch:
o Podophylotoxin
o Fluorouraein
o Imiquimod (không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi)
– Áp tuyết cacbon
– Đốt điện
– Laser
– Nếu thương tổn lan toả thành khối, mảng lớn, phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Chú ý: cần theo dõi sau điều trị để phát hiện các thương tổn tái phát.
6. PHÒNG BỆNH
Virut gây bệnh sùi mào gà rất dễ lây lan, đặc biệt là qua con đường quan hệ tình dục không an toàn, vì vậy muốn phòng bệnh, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
– Quan hệ tình dục an toàn.
– Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân của người bị bệnh.
– Thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh hiệu quả, an toàn tuyệt đối.
– Cần có những biện pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ em, tránh bị lạm dụng tình dục.
– Khi có biểu hiện nghi ngờ bị bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Điều quan trọng cần nhớ là người mang virut HPV mặc dù không có biểu hiện lâm sàng vẫn có thể lây lan cho người khác.
Ngoài ra, các đối tượng như: trẻ em (do sức đề kháng còn yếu), người lớn tuổi bị các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch dễ bị bệnh nếu bị lây nhiễm HPV.
Vì vậy, cần khám sức khoẻ định kỳ, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường (lâm sàng, xét nghiệm) để xử lý sớm, hiệu quả, tránh lây lan cho người khác, và đặc biệt tránh được nguy cơ biến chứng lâu dài.
Kết nối cùng Bác sĩ để hiểu thêm về bệnh: TẠI ĐÂY
hoặc gọi đến HOTLINE: 0989 555 497