Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Những người bị liệt dạ dày cũng đồng thời bị tổn thương dây thần kinh phế vị, là dây thần kinh sọ dài kéo dài từ thân não đến các cơ quan bụng, bao gồm những cơ quan trong đường tiêu hóa. Tương tự như các dạng khác của bệnh thần kinh tiểu đường, tổn thương dây thần kinh phế vị làm suy yếu chức năng thần kinh, và trong trường hợp này tiêu hóa bị suy yếu vì các xung cần thiết để nhào trộn thức ăn đang bị chậm hoặc dừng lại. Liệt dạ dày rất khó chẩn đoán, và thường xuyên bị bỏ qua. Theo nghiên cứu, tỷ lệ liệt dạ dày ở những người bị bệnh tiểu đường rất cao (lên đến 65%).
Liệt dạ dày thường gặp hơn ở những người được chẩn đoán tiểu đường sau nhiều năm có lượng đường trong máu cao, không được kiểm soát. Đường huyết cao trong thời gian dài gây ra thay đổi hóa học trong dây thần kinh khắp cơ thể. Khi tình trạng này kéo dài dai dẳng, cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho các mạch máu là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng và ô-xy cho dây thần kinh của cơ thể, bao gồm các dây thần kinh phế vị, cuối cùng dẫn đến liệt dạ dày.
Bởi vì liệt dạ dày là một bệnh tiến triển, một số triệu chứng của bệnh như ợ nóng mãn tính hoặc buồn nôn rất phổ biến, bạn có thể không nhận ra mình đang mắc phải tình trạng này.