Chào bạn,
Bạn không cho biết rõ bạn có bị sốt, hắt hơi, khó thở và tính chất đờm?
Ho là phản xạ của cơ quan hô hấp khi các thụ cảm thể gây ho bị kích thích. Đây là một phản xạ tích cực nhằm giúp cơ thể loại khỏi đường thở các chất tiết và vật lạ. Tuy nhiên, để lý giải tình trạng ho về đêm của bạn, có thể bạn bị một trong các lý do sau đây:
Viêm mũi xoang dị ứng: thường kèm theo hắt hơi, ngứa mũi, có thể ngạt mũi. Ngạt mũi mạn tính có thể gây ra ho vì khi mũi xoang bị viêm, các chất nhầy của mũi và xoang có thể chảy xuống thành sau họng gây nên triệu chứng ho.
Hen phế quản: thường bệnh nhân khó thở kèm theo thở hổn hển (giai đoạn muộn). Đa số bệnh nhân bị hen có thể có triệu chứng ho (ho khan).
Do thuốc uống: nhiều loại thuốc điều trị bệnh, tác dụng phụ của nó có thể gây ho (thuốc điều trị bệnh huyết áp…).
Do trào ngược axit dạ dày: khi bệnh nhân nằm xuống, dịch axit trong dạ dày có thể trôi ngược lên phổi gây nên ho. Để giảm triệu chứng này, bạn nên ăn ít vào bữa tối và ngủ gối cao đầu.
Do thiếu sắt: chế độ ăn uống thiếu một số chất dinh dưỡng có thể gây ho mạn tính. Nếu thiếu sắt sẽ làm sưng và kích thích thành sau cổ họng gây nên ho. Để giảm tình trạng này, bạn nên có chế độ ăn đầy đủ và bổ sung sắt.
Việc bạn uống nhiều thuốc ho mà không khỏi, có thể bạn ho do tác dụng phụ của thuốc khác thì khi ngừng thuốc này, triệu chứng ho mới giảm. Dựa vào nguyên nhân gây ho thì việc sử dụng thuốc điều trị mới an toàn và hợp lý.
Tốt nhất, bạn nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân cũng như có phác đồ điều trị phù hợp.