Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Trẻ mắc phải triệu chứng ARFID sẽ gặp nhiều vấn đề ăn uống như không muốn tiếp xúc với một số loại thực phẩm nhất định hoặc tránh ăn nhiều loại thức ăn cùng một lúc. Kết quả là bé sẽ không có khả năng hấp thụ đủ lượng calo và các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển và những vấn đề về cân nặng.
Ngoài những biến chứng kể trên, những trẻ bị ARFID cũng có nguy cơ cao gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày như khó khăn trong học tập hay tham gia các hoạt động ngoại khóa vì điều kiện sức khỏe không tốt. Các bé cũng có thể gặp rắc rối trong việc tham gia các hoạt động xã hội chẳng hạn khó dùng bữa và khó duy trì các mối quan hệ với bạn bè.
ARFID thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ và có thể kéo dài đến lúc trưởng thành. Ban đầu nó có thể tương tự như chứng kén ăn – triệu chứng khá phổ biến của trẻ nhỏ. Ví dụ, nhiều trẻ em từ chối ăn rau củ và thức ăn dạng lỏng. Tuy nhiên, chứng biếng ăn thường biến mất trong vòng vài tháng mà không để lại những vấn đề liên quan đến sự tăng trưởng hoặc phát triển của trẻ.
Trẻ có khả năng bị ARFID nếu:
- Có vấn đề ăn uống không phải do chứng rối loạn tiêu hóa hoặc các căn bệnh khác;
- Có vấn đề ăn uống không phải do thiếu lương thực và do thức ăn;
- Có vấn đề ăn uống không liên quan đến rối loạn ăn uống như chán ăn tâm lý;
- Không đủ số cân nặng chuẩn theo từng độ tuổi;
- Không thể tăng cân hoặc đã sụt một lượng cân nặng đáng kể trong vòng một tháng.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu con có những dấu hiệu của ARFID. Khi điều trị, bé cần kết hợp dùng thuốc đi kèm với liệu pháp tâm lý trong trường hợp này. Nếu bệnh vẫn chưa được điều trị dứt điểm, ARFID sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng lâu dài. Chính vì thế, điều quan trọng là cần phải chẩn đoán bệnh ngay lập tức. Nếu trẻ không ăn uống đúng cách nhưng lại có số cân nặng bình thường thì bạn vẫn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ.