Điều trị mụn không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình phối hợp điều trị lâu dài, nhanh nhất là 3-4 tháng. Ngoài sử dụng thuốc (uống và thoa) theo chỉ định của bác sĩ, thì việc điều chỉnh thói quen sống, thói quen ăn uống, tập thể dục,… sẽ hỗ trợ nhiều cho kết quả và rút ngắn thời gian trị liệu.
Tuy nhiên có lẽ bạn quá nôn nóng với tình trạng bệnh của mình, dù bạn cũng tìm hiểu khá kỹ về cơ chế sinh mụn, nhưng việc áp dụng các biện pháp thiếu bằng chứng khoa học như mật ong, cám gạo, nghệ,... chỉ làm tình hình thêm “tồi tệ” mà thôi.
Muốn hết thâm, trước tiên phải điều trị hết mụn, vì còn mụn tức da vẫn có hiện tượng viêm, mà còn viêm thì hiện tượng tăng sắc tố sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Các sản phẩm dưỡng ẩm cho da mụn có rất nhiều trên thị trường như Papulex, Cetaphil, Physiogel,… bạn có thể sử dụng, nhưng có điều đây không phải là “thực đơn” chính của sự điều trị.
Trước mắt, bạn nên tái khám và tiếp tục việc điều trị mụn của mình tại bệnh viện chuyên khoa, bạn có thể thảo luận với bác sĩ điều trị về các biện pháp hỗ trợ nếu có như laser, IPL, ánh sáng xanh đỏ, peel mụn,… để nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến tiệt trừ mụn của mình.