Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra đối với những bộ phận có cấu trúc phức tạp như xương sống. Sau đây là những vấn đề liên quan đến tính linh động, giới hạn chịu đựng và các nguyên nhân gây đau lưng.
Những hạn chế phổ biến đối với độ linh hoạt của xương sống
Đối với cột sống lồng ngực, các vấn đề phổ biến thường liên quan đến việc ngửa người ra sau (duỗi lưng), đơn giản là vì chúng ta thường thực hiện động tác gập người nhiều hơn trong các hoạt động hằng ngày.
Như đã nêu trên, hầu hết những động tác xoay người diễn ra ở phần ngực nên nếu ta không tập cho phần ngực linh hoạt thì sẽ dễ gặp khó khăn hơn khi chuyển động. Nhiều người thường không có dịp duỗi và xoay lưng khi lái xe hoặc ngồi làm việc. Vì thế họ sẽ thường cảm thấy đau lưng sau một thời gian dài.
♠ Thông thường nhiều người sẽ ngày càng khó cử động hơn sau chấn thương. Trong trường hợp này, dù chỉ tập những bài tập yoga chỉnh hình đơn giản nhất cũng có tác dụng đáng kể trong việc giảm nhẹ cơn đau.
♠ Nhiều người chịu đựng tình trạng khó di chuyển lâu đến mức chỉ bị thương nhẹ hay rướn người hơi xa cũng gây đau nghiêm trọng hoặc rối loạn chức năng. Cơ thể họ phản ứng quá mức đối với sự căng thẳng về cả thể xác lẫn tinh thần.
Vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên việc duy trì một tấm lưng khỏe mạnh đơn giản hơn nhiều so với việc tập luyện phục hồi chức năng sau khi bệnh đã bộc phát. Bất cứ ai từng bị đau lưng đều có thể khẳng định rằng phục hồi chức năng lưng là một con đường đầy chông gai.
Các giới hạn chịu đựng thông thường
Tư thế cong lưng phổ biến trong trạng thái ngồi (rướn vai về phía trước) khiến bạn rất khó cử động thoải mái các cơ ở vùng lưng, cổ và vai.
Bạn cứ thử tưởng tượng cảm giác phải mang một thùng đồ vừa to vừa nặng trong tư thế vòng tay và vai ra trước để ôm cho chặt xem. Khó hơn nhiều so với khi vai được buông thõng và hơi chếch về sau một tí, với hai khuỷu tay áp sát vào người đúng không?
Đây cũng là lý do vì sao cả những người khỏe nhất cũng gặp khó khăn khi nâng những tảng đá khổng lồ trong các cuộc thi về thể lực. Vấn đề không phải chỉ ở trọng lượng của tảng đá mà còn ở kích cỡ quái dị buộc người ta phải sử dụng những tư thế nâng miễn cưỡng. Nếu cộng dồn những tư thế quái dị này vào thói quen đứng sai thế hằng ngày thì các cơ trong cơ thể chắc chắn sẽ yếu đi, kể cả khi không mang vác vật nặng.
Các cơ bắp ở khu vực xương bả vai (các cơ hình thoi, cơ hình thang cao, trung và thấp cùng dây chằng vai) sẽ trở nên yếu hơn về mọi mặt. Các cơ đóng vai trò giúp ổn định và trợ lực ở lớp trong và lớp giữa của xương sống cũng sẽ yếu dần qua nhiều giờ ngồi khom lưng.
Có rất nhiều cách để giúp lưng khỏe mạnh hơn, từ tập tạ cho đến các bài tập chỉ sử dụng sức nặng của cơ thể. Vấn đề là ta cần phải tập luyện phần lưng của mình nhiều hơn. Các động tác nâng, mang vác, uốn người đều giúp cải thiện và duy trì sức khỏe phần lưng.
Các chứng đau lưng thường gặp
Chúng ta thường nghe rất nhiều cách miêu tả cơn đau lưng ở những khu vực khác nhau như bị ép, nhức, đau nhói, bị siết và thậm chí là liệt. Có nhiều bộ phận với những cấu trúc có thể gây đau trong vùng lưng như gân, dây chằng, đĩa đệm, cơ và khớp.
Cơ thể người có tính liền mạch và tính thích ứng, cho dù bạn có bị một vết cắt hoặc một chấn thương không chảy máu ở một vùng cụ thể trên người thì cũng khó có thể khẳng định rằng đó chính là nguyên nhân gây đau lưng.
Tốt hơn là ta nên có những biện pháp mang tính “toàn vẹn” hơn thay vì chỉ tập trung vào một vùng trên cơ thể (không bao gồm các vấn đề sau phẫu thuật). Cơn đau không chỉ xảy ra ở một phần cơ thể mà còn xảy ra khi cơ thể cố thích nghi với các chấn thương.
⇒ Cách hữu hiệu nhất để giảm đau và ngăn ngừa cơn đau là tập luyện nhẹ nhàng và đều đặn, giúp tăng thể lực và độ dẻo dai về mọi mặt.