Bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do vi rút xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được quan tâm chăm sóc đúng cách. Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện trong vòng 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Thời gian này được gọi là giai đoạn ủ bệnh. Biểu hiện sốt cao, thường khoảng 38-39 đô C, chán ăn, ho, đau bụng, đau họng, đôi khi có thể gây nôn, nhất là nếu do chủng enterovirus 71 gây ra. Sau đó là nổi các vết loét ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Khi trẻ bị bệnh này, những nốt loét trong họng và miệng có thể gây khó uống và khó nuốt, dẫn đến mất nước. Điều quan trọng là trẻ phải được uống đủ nước. Khuyến khích trẻ uống nước và sữa, các loại chè nấu bằng hạt sen, ý dĩ, đỗ xanh vì có tính mát bổ thay vì những loại đồ uống có tính a xít như nước cam, chanh... Hơn nữa vì đau miệng nên trẻ thường biếng ăn do vây các bà mẹ cần chú ý thức ăn cho trẻ phải tươi ngon, giàu dinh dưỡng, nấu chín mềm nhừ , không cho trẻ ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh và không cần kiêng tanh, càng không nên kiêng khem quá mức sẽ thiếu dinh dưỡng bệnh càng lâu khỏi, cần dỗ dành để trẻ ăn được đủ nhu cầu trong từng ngày và nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Nhớ luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ để tránh bội nhiễm và chú ý phòng lây cho các trẻ khác.