Chai là một vùng da bị hóa sừng, do quá sản các lớp thượng bì, đặc biệt là ở lớp sừng; ở tổ chức đệm là một khối xơ do tổ chức xơ quá phát triển. Tổn thương là những đám dầy sừng màu ngà, vàng, khum lên, hình tròn hay bầu dục, sờ vào rất cứng, vùng ranh giới với da lành có thể bị nứt, từ đó gây bội nhiễm, đau đớn. Chai thường xuất hiện ở tay, chân. Thủ phạm gây chai ở tay thường là bút viết, tay lái xe máy, dụng cụ lao động. Còn thủ phạm gây chai bàn chân thường là giày, dép hoặc chính là xương các ngón chân ép sát vào nhau khi đi giày... Nhân của chai có chứa huyết thanh và gây đau đớn cho bệnh nhân, đôi khi tới mức không chịu đựng nổi. Điều trị chai chân có nhiều cách như phẫu thuật cắt bỏ chai sau phẫu thuật cần giữ vệ sinh vết mổ nhanh lành..; Dẫm chân lên cát để làm bong ra lớp tế bào chết. Nếu có thể bạn hãy thường xuyên đi bộ trên cát biển để có thể ngăn ngừa chai chân. Ngoài ra, bạn có thể thoa dầu dừa, ôliu, thầu dầu lên lớp sần thường xuyên trong ngày; hoặc cũng có thể dùng nước cốt chanh thấm vào bông gòn bôi vào chỗ sần đó; đắp mặt nạ bột nghệ và mật ong cho chỗ chai. Ngoài ra bôi thêm kem dưỡng da có chứa thành phần dầu vazơlin để nuôi dưỡng vùng da chỗ chai mỗi tối trước khi đi ngủ. Do chai chân tay rất dễ tái phát, vì thế, sau khi điều trị, bạn cần đề phòng tái phát bằng cách: Tránh đi những đôi giày quá chật, quá cao, mũi nhỏ... để tránh những điểm tì quá mạnh. Nếu bàn chân đã có chai chứa nhân, thay vì đi giày, nên thay bằng đi dép xăng đan.