Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Thông qua các bài kiểm tra mật độ xương, bạn sẽ biết nguy cơ mình bị gãy xương do loãng xương trong 10 năm tới, từ đó sẽ có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Nếu nguy cơ mắc bệnh loãng xương của bạn ở mức thấp thì bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn nên quan tâm đến những thay đổi trong lối sống và việc kiểm soát nguy cơ bị bệnh, bao gồm:
- Không hút thuốc;
- Tránh lạm dụng rượu bia;
- Tăng cường vận động: Bạn có thể đi bộ hoặc bơi lội;
- Hạn chế ngã: Hãy đảm bảo an toàn ở nhà và chỗ làm. Bạn nên đặt thảm chống trượt ở những nơi bạn có thể bị trượt ngã. Bạn cũng có thể mang giày gót thấp có đế chống trượt;
- Duy trì cân nặng phù hợp: Đảm bảo rằng bạn không bị thừa cân hay béo phì do những căn bệnh này có thể khiến xương bạn chịu áp lực nặng hơn và dễ bị chấn thương hơn;
- Duy trì chế độ ăn uống khỏe mạnh với đầy đủ canxi và vitamin D: Chế độ ăn uống của bạn nên có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp xương chắc khỏe. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị gãy xương.
Khi nguy cơ bị gãy xương tăng lên thì bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn sử dụng các loại thuốc để ngăn ngừa tình trạng bị mất xương và để chữa trị loãng xương. Những loại thuốc thuộc nhóm bisphosphonates bao gồm: Alendronate (Fosamax®), Risedronate (Actonel®, Atelvia®), Ibandronate (Boniva®), Zoledronic acid (Reclast®).
Những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, khó nuốt và khiến thực quản bị viêm hay loét. Uống thuốc đúng cách có thể hạn chế những tác dụng phụ trên. Bạn nên uống thuốc bằng nước lọc vào buổi sáng khi chưa ăn gì. Không nằm sấp ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc để tránh gây khó chịu thực quản. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn liều dùng phù hợp nhé.