Bệnh tổ đỉa là một thể đặc biệt của bệnh chàm, khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 20-40. Tổn thương điển hình là các mụn nước trong, kích thước khoảng 1mm, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Bệnh thường xảy ra từng đợt, diễn biến dai dẳng. Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước trở nên đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch vùng lân cận, đau, sốt,.... Nếu không được điều trị tích cực, kịp thời thì bệnh gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa rất khó xác định, có thể gồm: dị ứng, viêm da tiếp xúc (do hoá chất, thuốc điều trị, vật dụng cá nhân, vật nuôi, khói thuốc, thực phẩm,…), do nhiễm mầm bệnh gây bệnh da (vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng, côn trùng,…), rối loạn thần kinh (rối loạn thần kinh giao cảm, do dùng thuốc,…),…. Do vậy, việc điều trị khá phức tạp và cần điều trị theo các nguyên nhân liên quan.
Trường hợp của bạn đã đi khám và chữa bệnh bằng thuốc tây, đông y và không khỏi, hay tái phát vào mùa hè, nhưng không rõ bạn đã đi khám chuyên khoa da liễu hay chưa. Do đó, bạn nến sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để khám và điều trị bệnh. Thông thường, việc điều trị phải dựa trên tổn thương thực tế, có thể phải sử dụng các thuốc chống dị ứng, thuốc kháng khuẩn (chống nấm, chống vi khuẩn,…), tránh tiếp xúc hoặc cách ly các yếu tố nguy cơ gây kích ứng dị ứng. Đồng thời cần tăng cường sức khoẻ thông qua chế độ dinh dưỡng đảm bảo, bổ sung vitamin và khoáng chất, cũng như sắp xếp lịch sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.